Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
 

Nội dung

 
Nông dân huyện Nhơn Trạch làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tiến trình đi lên đô thị   18-10-2024
Huyện Nhơn Trạch có xuất phát điểm là huyện thuần nông, với 90% dân số làm nông nghiệp. Tuy nhiên, trong tiến trình xây dựng và phát triển theo hướng đô thị, địa phương đã từng bước thay đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp - thương mại dịch vụ, hiện nay cơ cấu nông nghiệp của huyện còn chiếm từ 4-6%. Mặc dù cơ cấu nông nghiệp có giảm nhưng thay vào đó, các mô hình nuôi trồng thuỷ sản và các loại cây trồng được nông dân tích cực chuyển đổi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, giúp tăng sản lượng, thân thiện với môi trường và thu nhập của nông dân cũng cải thiện hơn so với trước đây.

vdsh1.jpg

Các bình Khí Clo (màu vàng) được anh Linh đầu tư giúp giảm 1/3 chi phí


Bài 1: Khi nông dân áp dụng công nghệ mới vào sản xuất

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Nhơn Trạch đã dần chuyển hướng từ phương pháp nuôi trồng truyền thống sang hình thức công nghiệp với hệ thống nuôi trồng khép kín, tự động, ít tốn diện tích đất, bảo vệ môi trường, không những vậy các sản phẩm bán ra cũng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khoẻ người tiêu dùng.

Ứng dụng khí Clo để “làm sạch” nước nuôi tôm

Với sự phát triển nhanh của loại hình nuôi tôm công nghiệp đã kéo theo nhiều bước tiến trong công nghệ chế tạo máy móc phục vụ nuôi tôm, chẳng hạn như máy quạt tạo oxy, máy cho tôm ăn tự động. Hiện nay, những hộ nuôi tôm tiếp tục ứng dụng thêm một kỹ thuật mới và đạt được nhiều lợi ích thiết thực từ kỹ thuật này, đó là dùng Clo khí để xử lý vi khuẩn trong nguồn nước nuôi tôm.

Tại ao tôm của hộ nông dân Nguyễn Văn Linh thuộc ấp Quới Thạnh, xã Phước An, từ năm 2023 đến nay, tình hình dịch bệnh trên tôm đã được cải thiện đáng kể từ khi anh biết ứng dụng công nghệ xử lý nước bằng khí Clo. Anh Linh cho biết: “Đầu năm 2023 thì tôi bắt đầu áp dụng mô hình Clo khí vào khâu xử lý nước, tính hiệu quả rất cao so với Clo bột truyền thống ở cả ba yếu tố, thứ nhất là về hàm lượng Clo khí gas đạt 99,9%, còn Clo bột chỉ có 70%; về giá thành thì 1 thùng Clo bột là 45kg, khoảng 2.100.000đ/thùng, trong khi đó bình Clo khí này 50kg nhưng giá thành chỉ khoảng 1.500.000đ/bình, rẻ hơn 1/3”.

Cũng theo anh Linh, thêm một hiệu quả nữa đó là tính diệt khuẩn rất cao, khí Clo nằm trong đường ống sẽ giúp diệt khuẩn được nhiều hơn, khi ra môi trường bên ngoài khí Clo bay hơi nhanh hơn so với Clo bột, nguồn nước được sử dụng trong thời gian sớm hơn. Ngoài giá thành rẻ hơn Clo bột thì việc đầu tư chi phí ban đầu cũng không quá cao, riêng anh Linh đã chi khoảng 80 triệu đồng để mua 5 vỏ bình chứa khí Clo và lắp đặt 200m ống dẫn nước, mỗi bình khí Clo có thể sử dụng hơn 10 ngày, trung bình mỗi tháng chi phí bơm khí Clo dao động khoảng 5 triệu đồng.

Cũng tại xã Phước An, hộ anh Nguyễn Huy Bình, ấp Vũng Gấm cũng đã áp dụng phương pháp xử lý nước bằng Clo khí được hơn 1 năm nay. Nhờ đó chi phí khử trùng ao nuôi giảm khoảng 3 lần, thời gian chờ cũng nhanh hơn do khí clo bay hơi nhanh hơn. Anh Bình cho biết thêm: “Tổng vốn đầu tư cho 4 máy clo khí tại khu nuôi tôm của tôi là 320 triệu, chi phí cho 1 ký tương đương khoảng 16 ngàn 500 đồng. Không những vậy, Clo khí đảm bảo hàm lượng đúng theo công bố. Còn Clo bột tối đa chỉ 70% và chất lượng không ổn định, tính sát trùng không cao”.

fwegw2.jpg

Anh Bình mạnh dạn đầu tư 4 máy Clo khí để khử khuẩn nguồn nước 

Anh Bình đang đầu tư tới 13 ha ao nuôi. Trong đó, có khoảng 3ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng, còn lại là ao lắng lọc nước. Còn anh Linh đang đầu tư 3 ao nuôi tôm công nghiệp trên diện tích hơn 2,7 ha, do đó việc xử lý nước là một bước vô cùng quan trọng, mang tính “sống còn” của người nuôi, nhờ sớm nắm bắt kỹ thuật mới đã giúp anh Linh thu về lợi nhuận gần 2 tỷ đồng/năm, còn anh Bình thu về gần 10 tỷ đồng/năm.

Nhận thấy đây là kỹ thuật mới ít tốn kém nên Hội Nông dân xã đã có định hướng để nhân rộng cho các hộ đang nuôi tôm trên địa bàn. Anh Phạm Thanh Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An cho hay: “Hiện trên địa bàn xã có khoảng 250 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghiệp, với diện tích gần 300ha, trong đó có gần 20 hộ đang ứng dụng Clo khí trong xử lý nước nuôi tôm, nhận thấy mô hình sử dụng khí Clo xử lý nước có hiệu quả nên hội sẽ tiếp tục nhân rộng đến các hộ còn lại”.

Trồng rau “sạch” theo hướng thuỷ canh

So với canh tác truyền thống, những năm gần đây, mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng đã được nông dân huyện Nhơn Trạch ứng hiệu quả, mô hình này vừa thể hiện nhiều ưu điểm về an toàn thực phẩm, có thu quanh năm và ít chịu tác động từ thời tiết. Bắt đầu trồng rau theo mô hình thủy canh từ đầu năm 2022 đến nay, anh Bao Minh Quang – nông dân tại ấp Thanh Minh, xã Vĩnh Thanh đã và đang thu về lợi nhuận khá tốt từ việc trồng khoảng 2 ngàn m2 rau thủy canh.

Theo anh Quang, mặc dù chi phí đầu tư cho toàn bộ hệ thống nhà màng khá cao, với gần 2 tỷ đồng nhưng có đầu ra ổn định vì nhu cầu tiêu thụ rau “sạch” của người dân rất nhiều, trung bình rau đạt năng suất từ 1,5 tấn/tháng, tùy từng loại rau mà giá thành bán ra từ 40 – 45 ngàn đồng/kg.

vrbrtenttet3.jpg

Lãnh đạo xã Vĩnh Thanh và Hội Nông dân xã tham quan vườn rau thuỷ canh của anh Bao Minh Quang (ngoài cùng bên phải).

Để có được vườn rau thủy canh xanh mướt với đủ loại rau như: cải ngọt, sà lách, cải xoăn, rau muống,… anh Quang đã đầu tư về hệ thống nhà màng, ống trồng rau, hệ thống cấp nước từ hồ lên giàn, hệ thống phun sương, hệ thống làm mát nước bằng quạt và hệ thống lưới cắt nắng nhằm hạn chế hấp thu nhiệt bên ngoài, giúp cây rau giữ được độ xanh tươi.

Anh Quang cho biết: “nông dân trồng rau thủy canh được nhiều lợi ích, hạn chế các rủi ro về sâu bệnh, thời tiết thất thường, phân bón rau là các chế phẩm sinh học, an toàn nên năng suất cũng cao hơn so với trồng trên đất. Những loại rau này hầu như không thấy xuất hiện tại các chợ truyền thống trên địa bàn huyện Nhơn Trạch mà chủ yếu được bán cho các siêu thị, do đó nhiều người dân ở đây thấy lạ nên thường mua ăn thử, sau đó thấy rau giòn, ngon nên rất thích”.

Anh Quang cũng tâm sự, trồng rau này cũng cần có sự đam mê, yêu thích nghề trồng trọt, nhất là ứng dụng khoa học kỹ thuật để tạo nên những sản phẩm sạch, đạt chất lượng để cung cấp cho thị trường.

Đánh giá về tính hiệu quả mà rau thuỷ canh mang lại cho nông dân xã Vĩnh Thanh, ông Trần Hoàng Sự - Bí thư Đảng uỷ xã cho rằng: “nhận thấy thị hiếu của người dân rất ưa chuộng thực phẩm sạch, nhất là rau sạch nên khi hộ nông dân Bao Minh Quang phát triển vườn rau thuỷ canh, địa phương cũng đã khuyến khích và tạo điều kiện cho hội viên nông dân đến tham quan, tìm hiểu và học tập kinh nghiệm, từ đó nhân rộng mô hình này trên địa bàn”.

Từ thực tế cho thấy, việc thay đổi tư duy, đưa công nghệ vào sản xuất đã giúp nông dân huyện Nhơn Trạch hạn chế những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh, mùa vụ…, từ đó tạo ra những sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Cả 02 mô hình nuôi tôm công nghiệp và trồng rau thủy canh không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giá trị sản xuất mà còn làm thay đổi tập quán canh tác, hướng đến phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Xuân Mai

 

 

 

 

 

 

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.
 

THÔNG BÁO

 
 

Thủ tục hành chính

 
 

Hình ảnh hoạt động

 
Video clip
  • Ứng dụng công nghệ đèn LED trong sản xuất đạt hiệu quả cao
  • Đoàn xúc tiến đầu tư tại Đài Loan làm việc với Công ty Công nghệ sinh học Vạn Bảo Lộc
  • Đồng Nai là tỉnh đầu tiên được đo hàm lượng vàng
  • Công bố chỉ dẫn địa lý cho chôm chôm Long Khánh
  • Hội thảo nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
  • Hội nghị cán bộ công chức và triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2015
  • Vũ điệu đen tối "đồng hồ xăng" phần 2
  • Vũ điệu đen tối "đồng hồ xăng" phần 1
  • Nhiều trạm xăng dầu sử dụng công nghệ cao gắn chíp qua mắt người tiêu dùng và các cơ quan chức năng
  • Ký kết thỏa thuận hợp tác với trường Đại học Okayama (Nhật Bản)

  • Hình ảnh liên kết
    Liên kết website trong tỉnh
    Liên kết website các tỉnh
    Lượt truy cập